GANAFADS

ADsAna-TN Ana: Face:

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

Điều trị ung thư gan với các phương pháp tiến bộ nhất hiện nay

 Ung thư gan có chữa được không?

Ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan) là bệnh lý ung thư ác tính có tỷ lệ mắc mới (26.418) và tử vong (25.572) cao nhất Việt Nam, theo số liệu GLOBOCAN 2020. Nhờ đặc tính tế bào gan có khả năng tái tạo, tăng sinh rất mạnh, do đó ung thư gan có thể điều trị khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Điều này có nghĩa các tế bào u gan ác tính đang ở giai đoạn khu trú, chưa xâm lấn mạch máu, hạch bạch huyết vùng hoặc di căn cơ quan xa.

Đối với bệnh nhân phát hiện mắc ung thư gan giai đoạn tiến triển, kích thước khối u lớn, xâm lấn các mô và cấu trúc xung quanh, có các tổn thương di căn xa thì việc điều trị khó khăn và thường là điều trị kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên nếu bệnh nhân kiên trì, thay đổi lối sống lành mạnh và tích cực điều trị có thể ảnh hưởng tốt đến hiệu quả quá trình điều trị.

Phẫu thuật điều trị ung thư gan

Phẫu thuật là phương pháp cắt bỏ khối u và một phần mô lành xung quanh. Phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả nhất, đặc biệt ở người bệnh có chức năng gan tốt hoặc ung thư giai đoạn đầu. Trong trường hợp khối u chiếm nhiều diện tích gan, gan bị tổn thương nghiêm trọng hoặc có hiện tượng xâm lấn mạch máu, di căn các cơ quan khác, mắc nhiều bệnh nền, phẫu thuật có thể không được chỉ định. 

Có ba loại phẫu thuật sử dụng trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan gồm:

1. Cắt bỏ một phần gan

Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan được thực hiện khi khối u nằm trong một phần gan, các chức năng gan hoạt động tốt. Phẫu thuật có thể là cắt hạ phân thùy, phân thùy hoặc một lá gan. Sau khi cắt bỏ phần gan chứa khối u, phần gan còn lại có thể hoạt động bình thường. Sau một vài tuần, gan có thể tái tạo, trở lại kích thước bình thường.

Nếu bệnh nhân bị xơ gan tiến triển, dù là khối u nhỏ, phương pháp phẫu thuật cắt bỏ không được chỉ định.

Có 2 phương pháp cắt gan: là cắt gan không có kế hoạch (không tính toán đến giải phẫu của gan) và cắt gan có kế hoạch. Trong đó, cắt gan có kế hoạch được chia thành các loại sau:

Phương pháp tách các mạch máu cuống gan và trên gan rồi cắt gan. Nhược điểm của phương pháp này là thực hiện khó khăn, mất thời gian và gây mất nhiều máu.

Phương pháp Tôn Thất Tùng: cắt gan bằng cầm máu và thắt đường mật trong nhu mô gan sau khi bóp nhu mô gan bằng tay. Trong khi cắt, cuống gan được cầm máu tạm thời.

Phương pháp Bismu: kết hợp ưu điểm của hai phương pháp trên, đó là phẫu tách các thành phần của cuống Glis ngoài gan nhưng không thắt trước mà chỉ cặp lại để kiểm soát tình trạng chảy máu. Sau đó, bác sĩ cắt nhu mô gan và kiểm soát cuống Glis, tĩnh mạch gan trong nhu mô gan như kỹ thuật Tôn Thất Tùng.

Trong phẫu thuật cắt gan điều trị ung thư gan có thể sử dụng dao siêu âm. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như giảm mất máu trong phẫu thuật, ít tổn thương các tổ chức lành hơn so với phương pháp bóp nhu mô gan bằng tay, có thể loại bỏ các khối u xâm lấn vào phúc mạc bằng cách phá vỡ và hút ra ngoài, bảo tồn tối đa phần gan lành, giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong sau phẫu thuật.

Hiện nay, phương pháp cắt gan nội soi cũng được áp dụng trong trường hợp khối u gan thuận lợi cho thực hiện phẫu thuật nội soi.

Một số tác dụng phụ sau phẫu thuật cắt bỏ gan gồm đau nhức, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, suy gan tạm thời. Nếu bệnh nhân gặp các tác dụng phụ mức độ nghiêm trọng hơn như chảy máu, nhiễm trùng… cần phải thông báo đến bác sĩ để được điều trị ngay.

2. Thắt động mạch gan

Là phương pháp điều trị tạm thời, được chỉ định cho các trường hợp không còn khả năng cắt gan. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ thắt riêng động mạch gan hoặc thắt toàn bộ các mạch máu tới gan để giảm lượng máu động mạch nuôi dưỡng tổ chức ung thư gan. Phương pháp điều trị này sẽ gây hoại tử ở trung tâm khối u, giúp giảm đau và làm khối u thu nhỏ lại. Tỷ lệ sống trên 6 tháng ở bệnh nhân ung thư gan sau thắt động mạch gan là khoảng 28%.

3. Ghép gan

Ghép gan là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ gan thay thế bằng mô gan khỏe mạnh từ người hiến tặng. Đây là lựa chọn tốt trong điều trị ung thư gan nguyên phát và có xơ gan mất bù. Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân ung thư gan có khối u kích thước dưới 5cm và không có quá 3 khối u kích thước trên 3cm, khối u chưa xâm lấn mạch máu. Ghép gan là một trong những biện pháp điều trị triệt để bệnh.

Sau phẫu thuật cấy ghép gan, bệnh nhân được theo dõi sát sao để phát hiện các dấu hiệu cơ thể từ chối tế bào mô lạ. Để hạn chế tình trạng này, người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nhằm giảm khả năng cơ thể đào thải. Một số tác dụng phụ thường gặp gồm phù, cao huyết áp, lông mọc nhiều…

Bệnh nhân ghép gan có thể đối mặt với một số nguy cơ như nhiễm trùng, cơ thể từ chối mô mới, nguy cơ mắc các bệnh ung thư không liên quan…

Phương pháp điều trị ung thư gan không phẫu thuật

Những bệnh nhân ung thư gan không thể thực hiện phẫu thuật sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị sau:

1. Điều trị tại chỗ

Điều trị tại chỗ bao gồm các phương pháp điều trị tác động trực tiếp vào tế bào ung thư hoặc khu vực mô xung quanh khối u. Các lựa chọn điều trị tại chỗ gồm: 

Đốt u: sử dụng nhiệt để đốt bỏ, tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng vi sóng hoặc sóng cao tần để thực hiện.

Áp lạnh: sử dụng cực lạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ đặt một công cụ chứa nitơ lỏng lên trực tiếp vào khối u gan. Siêu âm có thể được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ giúp quá trình đông lạnh khối u chính xác vị trí.

Tiêm cồn: cồn nguyên chất được tiêm trực tiếp vào khối u, thực hiện qua da hoặc trong quá trình phẫu thuật gan.

Tiêm hóa chất động mạch gan: tiêm hóa chất trực tiếp thông qua động mạch gan vào động mạch nuôi khối u gan để tiêu diệt khối u gan.

Bơm vi cầu phóng xạ: đưa các hạt vi cầu gắn phóng xạ qua động mạch gan vào trực tiếp trong khối u, bức xạ phát ra sẽ tiêu diệt tế bào u gan.

2. Đốt sóng cao tần (RFA)

Đốt sóng cao tần điều trị ung thư gan (RFA) là kỹ thuật mới trong điều trị ung thư gan. Bác sĩ sử dụng một hoặc nhiều loại điện cực kim, gắn trực tiếp vào khối u. RFA sử dụng nhiệt độ cao (60-100 độ C) tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp sử dụng sóng cao tần không làm ảnh hưởng đến các phần mô khỏe mạnh của gan, hạn chế xâm lấn, không để lại sẹo đảm bảo tính thẩm mỹ.

Phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) trong điều trị ung thư gan được chỉ định nếu người bệnh không đáp ứng đủ điều kiện tham gia phẫu thuật, như:

Sức khỏe không ổn định.

Vị trí khối u khó phẫu thuật (khối u chính gần mạch máu hoặc túi mật)

Kích thước khối u nhỏ (dưới 3 cm)

Người bệnh có thể thực hiện đốt sóng cao tần nhiều lần, phụ thuộc vào hiệu quả của lần đốt trước.

3. Liệu pháp nút mạch

Liệu pháp nút mạch hóa chất (TACE) là sử dụng thuốc hóa chất (gây độc tế bào) để tiêu diệt các tế bào ung thư. Sau khi bơm hóa chất trực tiếp vào khối u thông qua ống thông (catheter) đặt vào động mạch nuôi u gan, động mạch nuôi u sẽ được thuyên tắc bằng 1 chất gây tắc, cắt nguồn máu tới nuôi dưỡng khối u.

Có 2 cơ chế được thực hiện trong phương pháp nút mạch hóa chất:

Cung cấp hóa trị liều cao trực tiếp vào khối u.

Giảm lượng máu nuôi khối u, khiến khối u thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển, ức chế khả năng tăng sinh.

4. Xạ trị

Kỹ thuật xạ trị nhắm vào các tế bào ung thư và có thể ảnh hưởng đến một số mô mềm lân cận. Tuy nhiên một số phương pháp xạ trị cải tiến hiện đại giúp nhắm mục tiêu chính xác hơn, hạn chế tối thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến cấu trúc mô khỏe mạnh. (3)

Các xạ trị bao gồm:

Xạ trị định vị lập thể (SBRT): xạ trị suất liều lớn với độ chính xác cao nhắm trực tiếp vào khối u bằng chùm tia, hạn chế ảnh hưởng đến các cơ quan gần gan khỏi tia bức xạ.

Xạ trị bằng hướng dẫn của hình ảnh IGRT: sử dụng hình ảnh để quan sát khối u trong khi đang chiếu xạ. Điều này giúp tăng độ chính xác, tiêu diệt tối đa tế bào ung thư trong quá trình xạ trị.

Xạ trị proton: sử dụng các dòng proton (các hạt nhỏ mang điện tích dương) đến khối u, giảm thiểu ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh gần đó. Phương pháp được đánh giá hiệu quả điều trị thành công cao, ít ảnh hưởng đến cơ thể hơn.

5. Hóa trị

Phương pháp hóa trị ung thư gan sử dụng thuốc có tác dụng tìm diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên hóa trị có thể tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh và gây ra các tác dụng phụ. Hóa trị có thể dùng thuốc uống trực tiếp hoặc tiêm tĩnh mạch. 

Phương pháp này thường được chỉ định đối với trường hợp ung thư gan tiến triển, xâm lấn mạch máu, hạch bạch huyết vùng hoặc di căn. Tuy nhiên, ngày nay ít dùng vì độc tính cao và hiện có nhiều phương pháp toàn thân khác thay thế.

6. Liệu pháp thuốc nhắm trúng đích

Phương pháp nhắm mục tiêu trong điều trị ung thư hoạt động bằng cách nhắm vào các gen hoặc protein chuyên biệt của tế bào ung thư, ngăn chặn các mạch máu, ức chế sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư đến mô xung quanh.

Liệu pháp sinh học nhắm mục tiêu trong điều trị ung thư thường được chỉ định đối với các bệnh nhân có khối u gan không thể phẫu thuật, phải điều trị bằng các phương án thay thế.

7. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch dựa vào hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Liệu pháp giúp hệ thống miễn dịch nhanh chóng phát hiện các tế bào lạ, kích hoạt khả năng tấn công loại bỏ tế bào ung thư. Các chuyên gia tạo ra các chất trong phòng thí nghiệm giúp tăng cường, định hướng, khôi phục khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại các tế bào ung thư.

8. Chăm sóc giảm nhẹ

Các triệu chứng ung thư cũng như tác dụng phụ từ quá trình điều trị ung thư gây ra những khó chịu, đau đớn cho người bệnh. Bên cạnh các phương pháp trị liệu, chăm sóc giảm nhẹ có vai trò quan trọng giúp người bệnh điều trị bệnh hiệu quả. Chăm sóc giảm nhẹ (chăm sóc hỗ trợ) diễn ra đồng thời với các phương pháp điều trị triệt căn tế bào ung thư.

Chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh giảm nguy cơ gặp biến chứng nặng, chất lượng cuộc sống tốt hơn, củng cố tinh thần và sức khỏe để bước vào các giai đoạn điều trị tiếp theo. Các lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư gan gồm:

Sử dụng thuốc giảm đau

Tăng cường dinh dưỡng

Chế độ sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ

Hỗ trợ tâm lý

Đồng hành cùng gia đình, người chăm sóc bệnh nhân.

Cách điều trị ung thư gan khác và thử nghiệm lâm sàng

1. Thử nghiệm lâm sàng

Các thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả phương pháp điều trị trong y khoa. Người bệnh tham gia vào các chương trình thử nghiệm lâm sàng sẽ tiếp cận với các liệu pháp, thuốc, phác đồ điều trị mới… nhằm tạo cơ sở dữ liệu đánh giá mức độ hiệu quả của toàn bộ quá trình.

2. Biện pháp khắc phục triệu chứng khó chịu

Các biện pháp hỗ trợ khắc phục các cơn đau nhức, khó chịu do biến chứng và tác dụng phụ của ung thư gan có thể được chỉ định. Tuy nhiên bạn cần tham khảo tư vấn của bác sĩ để lựa chọn phương pháp hỗ trợ thích hợp, không ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư.

Một số biện pháp khắc phục triệu chứng khó chịu ở người bệnh gồm:

Châm cứu

Massage

Sử dụng thảo dược

Thư giãn

Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư gan

Lựa chọn biện pháp điều trị ung thư gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, do đó mỗi phác đồ có sự khác biệt nhất định với mục tiêu điều trị hiệu quả tối ưu. Để lựa chọn chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất, bác sĩ cần dựa trên các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân, khai thác bệnh sử để đề xuất phác đồ hiệu quả nhất. 

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến phương pháp điều trị ung thư gan gồm:

Vị trí khối u

Giai đoạn ung thư

Tuổi tác của bệnh nhân

Tình trạng sức khỏe thực tế, các bệnh nền

Khả năng đáp ứng thuốc, nguy cơ dị ứng với thuốc điều trị

Biến chứng và tác dụng phụ của việc điều trị ung thư gan

Tương tự các biện pháp điều trị y tế, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư gan. Tác dụng phụ sinh ra do quá trình hóa trị, xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư khiến các tế bào khỏe mạnh bị hư hỏng. Một số tác dụng phổ biến gồm:

Mệt mỏi

Chán ăn, ăn không ngon, cảm thấy no nhanh

Thay đổi vị giác

Tiêu chảy, hấp thụ dinh dưỡng kém

Sụt cân

Đau rát miệng hoặc họng

Thay đổi vị giác

Kém minh mẫn

Đau, cảm giác nóng rát

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ biến mất sau khi quá trình điều trị kết thúc. Tuy nhiên xảy ra các tác dụng phụ mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể liên hệ bác sĩ điều trị để được tư vấn kịp thời.

Chăm sóc cho bệnh nhân mắc ung thư gan trong quá trình điều trị

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư gan có thể sẽ không tránh khỏi đau đớn, mệt mỏi, sức khỏe ảnh hưởng do các tác dụng phụ của phương pháp điều trị. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị triệt để đảm bảo hiệu quả trong việc tiêu diệt, loại bỏ tế bào ung thư, thì bệnh nhân có thể sẽ được sử dụng các phương pháp chăm sóc thay thế. Mục đích là để giảm đau, giảm tác dụng phụ của phương pháp điều trị, tăng cường sức khỏe để bệnh nhân có thể chống chọi căn bệnh nguy hiểm lâu hơn.

Bên cạnh đó, chiến đấu với ung thư là cả một quá trình dài và gian nan, vì vậy người bệnh cũng cần được duy trì chế độ dinh dưỡng đủ chất, tránh để cơ thể suy nhược dẫn đến không đủ sức khỏe để tiếp tục thực hiện các liệu trình điều trị.

Các phương pháp điều trị ung thư gan có thể giúp người bệnh vượt qua bệnh hoặc chỉ có tác dụng duy trì, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Việc người bệnh đạt được hiệu quả hoặc mục đích điều trị sẽ phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của mỗi người bệnh, phác đồ điều trị được chỉ định thực hiện… Tuy nhiên tuân thủ phác đồ điều trị và luôn duy trì trạng thái, suy nghĩ tích cực sẽ giúp người bệnh có cơ hội sống, thời gian sống cao hơn.

Không có nhận xét nào:

Chiến thắng bệnh ung thư gan với các trường hợp cụ thể trả lời ung thư gan có chữa khỏi không

Lương Ý, 27 tuổi là y tá của một bệnh viện tại Đài Loan. Năm 2020, cô không may bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Theo khảo ...